Để biết được những nhân viên kinh doanh luôn làm việc tốt, giúp họ phát huy được năng lực hoặc biết được nhân viên làm việc chưa tốt để giúp họ cải thiện hơn, mỗi doanh nghiệp nên đặt ra những tiêu chí đánh giá nhân viên kinh doanh cụ thể và rõ ràng. Vậy khi đưa ra tiêu chí đánh giá, cấp trên nên lưu ý những gì?
Đánh giá qua thái độ làm việc
Thái độ làm việc được xem là tiêu chí hàng đầu khi đánh giá bất kỳ nhân viên nào. Trước khi có một năng lực làm việc tốt, mỗi nhân viên phải xây dựng cho mình một thái độ và đạo đức làm việc, chẳng hạn: luôn có tinh thần trách nhiệm trong công việc, luôn thực hiện đúng quy định của công ty, luôn biết cách học hỏi và tiếp thu từ người khác… Bởi lẽ nếu một nhân viên có chuyên môn tốt nhưng thường xuyên đi trễ, vắng họp, không hòa đồng với đồng nghiệp thì đó là một cá nhân không thể gắn bó lâu dài với tổ chức.
Để đo lường và đánh giá được thái độ của nhân viên, mỗi doanh nghiệp có thể dựa trên một số chỉ số sau đây: chỉ số chủ động trong công việc, chỉ số trung thực, chỉ số học hỏi và phát triển, chỉ số tinh thần hợp tác với đồng nghiệp… Tùy vào mỗi doanh nghiệp mà có thể đưa ra những chỉ số và tiêu chí cụ thể để đánh giá thái độ của nhân viên khác nhau.
Đánh giá qua năng lực làm việc
KPI là một chỉ số đánh giá cụ thể và đo lường hiệu quả năng lực của nhân viên thông qua những con số. Đối với nhân viên kinh doanh thì chỉ số KPI là cách tốt nhất để đánh giá họ. KPI cho chúng ta những số liệu cụ thể và có thể nhìn thấy một cách rõ ràng sự tiến bộ cũng như sự thụt lùi của nhân viên. Một số những KPIs được áp dụng cho nhân viên kinh doanh như: tăng trưởng doanh thu hàng tháng, các cơ hội bán hàng, tỷ lệ chốt đơn hàng, số lượng đơn hàng hàng tháng, tỷ lệ giữ chân khách hàng, mức độ hài lòng của khách hàng… Tùy vào kế hoạch và mục tiêu kinh doanh khác nhau mỗi đơn vị doanh nghiệp sẽ có những bảng KPI riêng biệt dành cho mỗi nhân viên của mình.
Đầu tháng, mỗi một nhóm nhân viên kinh doanh sẽ được cấp trên đề bạt một mức KPI cụ thể, đồng thời phân chia KPI riêng biệt cho mỗi thành viên. Đến cuối tháng, mỗi nhân viên sẽ phải hoàn thành được KPI của mình và qua đó giúp cả nhóm đạt đúng hoặc vượt mức KPI chung đã đề ra ban đầu.
KPI giúp nhân viên có một mục tiêu cụ thể để làm việc. Qua đó, dựa trên KPI, cấp trên có thể tăng lương, thăng tiến nếu họ vượt mức KPI cũng như nhắc nhở, thậm chí sa thải bất kỳ một nhân viên nào đó nếu họ không hoàn thành KPI nhiều lần.
Đánh giá một cách thực tế
Khi doanh nghiệp đặt ra KPI cho nhân viên, những chỉ số này phải rõ ràng và đo lường được, không đặt những mục tiêu chung chung, mơ hồ và không thực tế. Nên nhớ mỗi người sẽ có một KPI riêng biệt, không được lấy KPI của nhân viên này áp đặt qua cho một người khác. Vì mỗi cá nhân sẽ có những năng lực làm việc khác nhau, cấp trên nên thường xuyên theo dõi và đo lường thực tế khả năng của mỗi nhân viên để đưa ra những chỉ số KPI phù hợp nhất.
Tuyệt đối không được áp đặt KPI cho một nhân viên khi biết rằng họ không hoàn thành được. Làm như thế vô hình chung bạn đã tạo áp lực cho nhân viên của mình, khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi thường xuyên không đạt được KPI.
Nên có mốc thời gian hoàn thành cụ thể
Đừng bao giờ đưa ra KPI không có thời gian hoàn thành cụ thể. Mỗi KPI đưa ra nên được đi kèm cùng một mốc thời gian nhất định, để nhân viên biết khi nào mình cần hoàn thành và qua đó giúp họ nỗ lực và phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đã đề ra.
Mốc thời gian cũng giúp doanh nghiệp có cái nhìn khách quan hơn về năng lực của mỗi nhân viên, qua đó biết được nhân viên nào làm việc tốt hoặc chưa tốt để có những hướng cải thiện phù hợp.